Sài Gòn mưa… Cơn mưa đầu mùa nơi miền đất phồn hoa ồn ào, tấp nập khiến lòng người như dịu nhẹ hẳn đi sau mấy ngày nắng như đổ lửa. Mưa lần nào cũng vậy, luôn lắng lại bao kỷ niệm góp nhặt từ trong sâu kín nhất trái tim của những người con xa quê… Nhớ dáng mẹ, nhớ vị quê hương trong chiếc bánh răng bừa mẹ gói ướp hương thơm ngọt của cuộc đời.
Mang cái tên khá lạ – bánh răng bừa (có nơi người dân gọi là bánh tẻ, bánh lá) là món ăn mang đậm nét văn hóa của vùng quê lúa nước đồng bằng Bắc Trung Bộ, cũng là đặc sản của vùng đất xứ Thanh, nơi quê hương tuổi thơ tôi. Gọi tên bánh răng bừa đơn giản vì hình dáng bánh giống như răng của chiếc bừa, một nông cụ gắn với công việc đồng áng của người nông dân.
Bánh răng bừa nhỏ xinh làm bằng gạo tẻ, nhân thịt heo trộn với mộc nhĩ, hành khô gói gọn trong lá chuối xanh giản dị, mộc mạc, thế mà khiến ai đi xa cũng nhớ mãi hương vị quê nhà. Tôi nhớ lại những ngày tuổi thơ nghèo khó, ngồi bên cạnh mẹ tập gói bánh một cách vụng về, rồi lấy dây buộc cái bánh tự tay mình làm để… đánh dấu. Hì hục với rơm rạ, khói bếp cay xè mắt những ngày mưa để đợi cho bằng được mẻ bánh đầu tiên mà hai mẹ con cùng gói được vớt ra chiếc rá tre. Ngày xưa, ở vùng quê Thanh Hóa, con gái lớn ai cũng phải học làm bánh răng bừa. Người ta quan niệm rằng biết làm bánh mới được đi lấy chồng, mới mong làm vợ hiền dâu thảo.
Nhắc tới chiếc bánh răng bừa là nhắc tới hai dấu mốc lịch sử. Đầu tiên, người ta cho rằng đây là loại bánh có nguồn gốc từ vùng núi Nưa, thuộc huyện Triệu Sơn gắn với câu chuyện bà Triệu (Triệu Thị Trinh) sáng chế ra loại bánh này để làm lương thực cho quân sỹ chống giặc Ngô xâm lăng. Một câu chuyện khác, người dân xứ Thanh lại cho rằng bánh răng bừa có nguồn gốc từ làng Trung Lập (xã Trung Lập, huyện Thọ Xuân), thời xa xưa khi vua Lê Hoàn đích thân xuống đồng cày ruộng trong lễ hội đầu năm, người dân vùng này đã làm bánh bằng thứ gạo ngon nhất để dâng lên vua.
Nguyên liệu làm bánh răng bừa là gạo tẻ, chọn thứ gạo không quá khô cũng không quá dẻo ngâm nước trong khoảng vài tiếng đồng hồ rồi đem đi xay mịn thành bột nước mới ngon. Bắc nồi bột ấy lên bếp, cầm chiếc đũa cả khuấy sao cho đều tay đến khi bột quánh lại mà không bị vón cục. Công đoạn này yêu cầu người làm bánh phải thật khéo léo để bột chỉ vừa kịp sánh, như vậy bánh luộc mới dẻo mà không bị dính, đến độ có thể uốn cong chiếc bánh mà không bị gẫy hay vữa ra.
Nhân bánh hòa quyện mùi vị hành khô phi thơm lừng, vị béo ngậy của thịt ba chỉ băm nhỏ trộn lẫn với mộc nhĩ (nấm tai mèo), hành lá cùng với vị đậm đà, cay nóng của muối, hạt tiêu… Người dân xứ Thanh thường sử dụng lá chuối ngự, chuối hột hơ nóng qua lửa cho mềm để gói bánh thay vì lá dong như cách gói của một số vùng như Hưng Yên, Hà Nội. Thế nên bánh răng bừa mang hương vị đặc trưng rất riêng của người dân Thanh Hóa mà không lẫn vào bất cứ một loại bánh làm bằng gạo tẻ nào khác.
Bánh răng bừa chấm với nước mắm chanh, ớt thì ăn hoài chỉ có no chứ không bao giờ bị ngấy. Những người ăn một lần có thể nhớ mãi thức quà của đồng quê chiêm trũng vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ. Người xa quê lại càng không thể quên món bánh dẻo thơm mẹ gói gắn với những vui buồn của tuổi thơ.