Có những nơi bạn gọi là “nhà”, nơi bạn có gia đình, có mái ấm và có tình yêu da diết giành cho nó. Tôi gọi Gia Lai là nhà, bởi nơi đó có những người thân của tôi, có bạn bè qua từng năm tháng cuộc đời và có cả một thế giới đồ ăn cho đứa “sống để ăn” như tôi.
Năm nhất đại học trôi qua, tôi đã dần quen với cuộc sống nơi phố thị kết hoa, rực rỡ ánh đèn. Thành phố, nơi nổi tiếng với những món ăn đậm chất giới trẻ, thế giới ẩm thực thay đổi từng ngày, những xu hướng ăn uống mới cũng xuất phát từ đây. Ngày còn ở nhà, tôi ham lên thành phố, ham hùa mình vào dòng chảy nhộn nhịp ấy, muốn thỏa mãn đam mê với những món ăn. Học đại học là cơ hội “ngàn vàng”.
Tôi đã tận dụng cơ hội ấy, trải mình tìm kiếm những món ăn ngon, những địa chỉ nổi tiếng để thưởng thức. Có món hợp, có món không hợp, có món rất ngon, có món lại chẳng thể nuốt nổi,… Nhưng rồi mỗi lần ăn xong, trong lòng lại rạo rực một nỗi nhớ, nhớ da diết.
Một năm trôi qua tôi mới biết nỗi nhớ ấy là gì, đó là nhớ nhà, nhớ hương vị đậm đà của ly cà phê, nhớ sự nồng hậu và vui vẻ của những người dân phố núi bình dị.
Trở về nghỉ hè, nhưng lại là những ngày mưa. Mưa kéo dài không ngớt, mưa rồi tạnh, tạnh rồi lại mưa, nhiều người nói vui rằng ông trời đang trong thời kì buồn khổ của cuộc tình mới chớm nở đã tàn phai. Người dân quê tôi làm lụng quanh năm, những ngày mưa gió tranh thủ nghỉ ngơi nhưng ai nấy cũng sốt ruột: “Nắng lên lại lắm việc”.
Nhưng với tôi, mưa là thời điểm phù hợp nhất khám phá ẩm thực nơi đây. Đặc biệt là ngồi nhâm nhi ly cà phê còn tỏa khói, đưa mắt nhìn những hạt mưa cứ thế trút xuống. Cùng nhỏ bạn thân xách xe đi thành phố, trong lòng thấy rộn ràng hẳn, dù trong ví cũng chẳng còn bao nhiêu. Nơi đầu tiên tôi đặt chân tới là Trung tâm thương mại Pleiku, thật ra đối với tôi nó là một khu chợ “khổng lồ”. To, rộng và vô cùng đa dạng, có thể nói là thứ gì cũng có. Khu ăn uống của Trung tâm đường đi khá ngoằn ngoèo, lại nằm đối diện với khu gà vịt, ngan ngỗng, thịt thà nên nhiều người thấy ái ngại về độ sạch sẽ của nó. Với tôi, đồ ăn ở đây ngon hơn nhiều so với những nhà hàng thành phố, chuyện sạch sẽ thì phải nhờ đến các bác Thanh tra Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đã đến chợ thì không thể không ăn món bánh canh chả cá tuyệt cú mèo! Nhiều khi tôi ước mình sống luôn ở đây, ngày nào cũng được ăn thì sướng biết mấy (cười cười). Có nhiều quán bánh canh gần nhau nhưng tôi hay ghé quán cô Hiền, bởi tôi thích cách cô bán hàng, cách cô trò chuyện với mọi người.
Tô bánh canh thơm lừng mùi chả cá, ớt màu và rau dăm khiến dạ dày tôi kêu liên tục. Sợi bánh trắng trong, trơn bóng hòa trong làn nước màu vàng nâu, óng ảnh, điểm xuyết màu xanh của rau thơm, rau dăm và chút đỏ rực của ớt tươi. Phải nói bánh canh là sự tổng hòa của non – nước. Nước dùng được ninh từ chân giò hoặc xương heo, ngọt lịm làm sao. Mà khi ninh, phải ninh kĩ, ninh lâu cho nước có độ ngọt mà không gắt. Yếu tố khiến món ăn trở thành “thuốc phiện” của nhiều người chính là chả cá. Một tô bánh canh có từ 2 đến 3 loại chả khác nhau: chả viên, chả chiên, chả da thậm chí là chả hấp. Mỗi loại chả lại có một hương vị riêng, nhưng chúng đều khiến món bánh canh trở nên tuyệt vời.
Ở Gia Lai rất nhiều nơi bánh canh chả cá, mỗi nơi có một công thức nước dùng, gia vị và cách làm chả khác nhau. Món chả của cô Hiền là được thừa hưởng từ mẹ cô, một người gốc Huế vào đây sinh sống. Cô kể, những ngày trước, mẹ cô bán chả với bánh canh là “vô địch”, phát đạt lắm, nhất là chả bò với chả cá thu. Từ ngày cô tiếp quản, cô mở rộng việc buôn bán hơn, bỏ sỉ lẻ cho những quán ở các huyện. Cô có một người em gái, nhưng không muốn tiếp quán sự nghiệp của gia đình mà học cao, giờ làm nhà nước.
Ai đến quán cô, đều có chung cảm giác ngon và rất vui vẻ. Cô không tính toán, chi li cái gì, khách thích ăn gì thì kêu, ăn nhiều bánh cho nhiều bánh, ăn nhiều chả cho nhiều chả. Một tô bánh chỉ có 15.000 mà thôi, vậy mà khách đến cô ai cũng no bụng ra về. Nụ cười của cô, những câu chuyện cô kể khiến ai nấy đều cười vui và ấm lòng. Tôi hỏi cô có nghĩ bánh canh cô làm rất ngon không, cô cười lớn và nói rằng: “Cô nấu, người ta đói ăn no đỡ lòng chứ ngon gì hả con. Nói ngon là nổ quá”.
Mỗi khi đến quán tôi thích ngắm nhìn cách cô làm tô bánh. Bột bánh rất dai và trơn nên múc không khéo thì tuột hết. Múc được già tô, cô cho thêm rau dăm, chả cá, ớt màu rồi mới múc tiếp. Vừa để chả cá thêm nóng, vừa để ớt màu hòa quyện vào nước dùng nóng hổi. Quả nhiên, món bánh này là thức quà của mùa mưa, của cái se lạnh, ướt át.
Ban đầu, thấy tôi đến ăn bánh mà hỏi han cô đủ chuyện, nhất là chuyện nghề. Thế là cô tưởng tôi học nghề, chắc muốn mở quán bán bánh tại nhà. Vậy là cô nói mọi thứ từ bánh, nước dùng đến cách làm chả: “Con cứ hỏi đi, cô Hiền nói con nghe. Cô không giấu nghề đâu, cô chỉ nhiều người rồi”. Có lẽ vì thế mà nhiều người yêu mến cô, nhiều người ghé quán cô thưởng thức. Nghe nói hỏi cô, một khách ăn ngồi cạnh nhanh nhảu: “Quán bánh canh ở Nguyễn Đình Chiểu nhiều người khen ngon chứ em chỉ thấy quán chị là ngon nhất”.
Tạm biệt cô Hiền, tôi ghé quán cô Oanh ngay bên cạnh để thưởng thức những ly chè thơm ngon. Cô Oanh bán chè đã được 27 năm, cũng là nối lại nghiệp từ mẹ, vun vén cho quán chè đến ngày hôm nay.
Mỗi năm mỗi cải tiến, trước cô chỉ có khoảng 13 – 14 món chè, giờ thì đã lên tới 20 món. Lần nào đến quán cô, tôi cũng cảm thấy choáng ngợp trước những nồi chè, tô chè,… rực rỡ, thơm lừng và béo ngậy. Quán của cô bán đủ loại từ thập cẩm, trái cây, đậu xanh, trôi nước, bà ba, đậu váng,…
Mỗi chuyến đi lại thêm nhiều trải nghiệm, mỗi câu chuyện thêm giàu cảm xúc và mỗi món ăn thêm nhiều yêu thương. Một ngày quanh phố núi, câu chuyện còn dài, còn nhiều nhưng đây là những gì chân thực nhất, cảm xúc nhất tôi có được. Hành trang cho những năm tháng sống, học tập và làm việc nơi thành phố kết hoa là tình thương yêu với mảnh đất này, thương món bánh canh chả cá dạt dào niềm vui và những ly chè ngọt bùi, sâu lắng.
Chào nhé Pleiku! Hẹn gặp lại vào một ngày không xa!
THANH THANH