Tiểu thương trong chợ truyền thống rất thích bán loại hạt nêm này vì lợi nhuận rất cao mà không màng tới rủi ro về sức khỏe người tiêu dùng.
Hạt nêm là một trong những gia vị giúp mang đến vị ngon và hương thơm hài hòa cho các món ăn, đây cũng chính là thành phần gia vị quan trọng và không thể thiếu trong các bí kíp tẩm ướp hay nấu nướng của nhiều đầu bếp cũng như các bà nội trợ.
Chính vì vậy, hạt nêm được sử dụng phổ biến tại các gia đình và đặc biệt là với một số lượng lớn tại các hàng quán.
Theo khảo sát của cơ quan chức năng trong tháng 8 vừa qua, sản phẩm được bày bán công khai tại các khu vực chợ các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Đà Nẵng, Phú Yên và Bình Định.
Tổng khối lượng hạt nêm 3 không bị tịch thu tại 38 chợ lên đến hàng trăm kí.
Hạt nêm “3 không” giá rẻ
Khảo sát một số chợ tại thành phố Biên Hòa rất dễ để tìm thấy nhiều loại hạt nêm “3 không”, đó là những gói hạt nêm “không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng”.
Chúng được đóng gói trong các bao nilon, không có thông tin sản phẩm như nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Lực lượng chức năng kiểm tra việc bán hạt nêm “3 không”. |
Dù vậy, sản phẩm này được bày bán công khai, vô tư ở hầu hết sạp hàng trong chợ. Trọng lượng bán phổ biến cho người tiêu dùng là 200g, 500 g và 1 kg.
Đặc biệt, sản phẩm hạt nêm “3 không” có giá rất rẻ, chỉ từ 35.000đ/kg, rẻ hơn khoảng hơn 30% so với giá các loại hạt nêm có thương hiệu trên thị trường.
Do vậy, nhiều nhà hàng, quán ăn bình dân và người tiêu dùng ham rẻ thường mua loại hạt nêm này vì giá rẻ.
Đặc biệt là những tiểu thương trong chợ truyền thống rất thích bán loại hạt nêm này vì lợi nhuận rất cao mà không màng tới rủi ro về sức khỏe người tiêu dùng.
Loại hạt nêm này mập mờ và đặt ra nhiều nghi vấn. Thậm chí người bán cũng mù mờ về chất lượng hạt nêm “3 không” khi được hỏi
Hạt nêm 3 không gây ra những bệnh hiểm nghèo
“Đóng gói hạt nêm trong điều kiện không đảm bảo quy định nghiêm ngặt cả về nhà xưởng, thiết bị, con người dễ dẫn đến việc sản phẩm bị nhiễm khuẩn.
Ở mức độ nhẹ, chúng có thể thay đổi hệ vi khuẩn bình thường của đường ruột, đưa đến nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa như táo bón, viêm loét…
Nặng hơn, nhiễm vi khuẩn đường ruột như E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng… có thể dẫn đến tiêu chảy, nôn mửa ngay lập tức. Nguy hiểm nhất là tình trạng co giật, gây tử vong”, Tiến sĩ, Bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai – Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Gia Định cảnh báo.
Ngoài ra, vị bác sĩ này cũng cho biết hạt nêm không rõ nguồn gốc có thể bị pha trộn tạp chất để tăng lợi nhuận.
Đưa vào cơ thể những tạp chất độc hại trong thời gian dài gây ra bệnh mãn tính, thậm chí tăng nguy cơ mắc ung thư cho người sử dụng.
Theo các chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, loại hạt nêm “3 không” bày bán tại các chợ lẻ được sang chiết, đóng gói, bảo quản trong điều kiện ẩm thấp, dễ bị nhiễm khuẩn và nhiễm tạp chất, khó đảm bảo vệ sinh cũng như chất lượng.
Đặc biệt, hạt nêm “3 không” thuộc diện hàng trôi nổi, không được cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát nên không loại trừ có chứa các chất độc hại có thể gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Chính vì vậy, người tiêu dùng không nên mua loại hạt nêm “3 không” này để đảm bảo sức khỏe cho chính chúng ta.
Kiên quyết xử lý
Loại hạt nêm 3 không trước đây bán nhiều, nhưng sau khi báo chí phản ánh, Ban quản lý chợ đã kiểm tra và yêu cầu các tiểu thương ngưng bán để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, mỗi hộ kinh doanh hàng trăm mặt hàng nên Ban quản lý khó mà kiểm đến hết được. Việc buôn bán loại hàng kém chất lượng này cần đến ý thức, trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng của người kinh doanh nữa.
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường thành phố Biên Hòa cho biết: “Trong thời gian qua chúng tôi liên tục kiểm tra các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán trong chợ, đặc biệt các sản phẩm về lương thực thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
Trước phản ánh của báo chí về tình hình xuất hiện trở lại của hạt nêm “3 không”, chúng tôi sẽ tiến hành ra quân đồng loạt kiểm tra và xử lý mạnh tay các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này”.
Người này cũng chia sẻ khó khăn trong việc xử lý mặt hàng này: Sau khi kiểm tra, xử phạt, một số tiểu thương chuyển từ hình thức bán công khai sang buôn bán lén lút gây khó khăn trong việc kiểm soát, xử lý.
Bên cạnh đó, chế tài xử phạt vẫn còn thấp, chưa tạo sức răn đe lớn cho người tiểu thương.
Tác hại của việc sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với sức khỏe là khó lường. Hy vọng cơ quan chức năng sẽ mạnh tay xử lý góp phần đẩy lùi vấn nạn thực phẩm bẩn, sản phẩm không an toàn.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về An toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 31/12/2013. Theo đó, Nghị định 178 quy định rõ mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về An toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Ngoài mức phạt tiền như trên, đối với các hành vi vi phạm hành chính về An toàn thực phẩm có tính chất nghiêm trọng như: Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh để sản xuất, chế biến thực phẩm,… thì mức tiền phạt được tính bằng 3,5 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với cá nhân hoặc 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với tổ chức vi phạm. |