Sau 3 năm vận động, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực VN đã chính thức được cấp phép thành lập, với mục tiêu đưa văn hóa ẩm thực trở thành tài sản quốc gia, qua đó thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế và biến VN thành ‘bếp ăn của thế giới’.
Để làm rõ hơn mục tiêu trên, Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Kỳ (ảnh), Trưởng ban Vận động thành lập Hiệp hội Văn hóa ẩm thực VN – Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel.
Được biết dự tính ban đầu của hiệp hội là đưa ẩm thực Việt thành thương hiệu du lịch quốc gia. Muốn đưa ẩm thực Việt ra ngoài thế giới thì một trong những cách ngắn nhất, hiệu quả nhất là thông qua du lịch, tại sao cuối cùng lại tách ẩm thực ra khỏi du lịch thưa ông?
Đúng là ẩm thực và du lịch có mối quan hệ rất mật thiết nhưng văn hóa ẩm thực VN ra đời từ thuở khai thiên lập địa. Nó mang một đời sống riêng, truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống riêng trong khi du lịch mới chỉ xuất hiện chưa đầy một thế kỷ. Nếu du lịch dùng giá trị văn hóa ẩm thực như một sản phẩm mà sản phẩm chỉ là một đoạn ngắn, trong khi giá trị là cả một đoạn dài, mang tầm quốc gia. Mục tiêu của hiệp hội là khám phá, tìm tòi, duy trì, tôn tạo, phát triển để đưa văn hóa ẩm thực VN trở thành tài sản quốc gia. Đó là lý do tách riêng và xây dựng văn hóa ẩm thực thành thương hiệu quốc gia.
Tại sao lại là ẩm thực mà không phải là các giá trị văn hóa khác?
|
|
Sau 3 năm vận động, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực VN đã được cấp phép thành lập. Hiện hiệp hội có trên 300 hội viên. Đến ngày 11.10 tới đây sẽ tổ chức đại hội thành lập.
|
|
|
Đúng là trong dòng chảy lịch sử có rất nhiều chuỗi giá trị văn hóa. Nhưng ẩm thực có một khả năng đặc biệt, đó là chuyên chở cả quá khứ, hiện tại và tương lai và mang đậm chất thuần Việt. Người Việt có cái hay là những món ăn nước ngoài khi du nhập vào VN sẽ biến thành ẩm thực VN. Đơn cử như bánh mì Baguette do người Pháp đem vào VN, trong quá trình cải biên, người Sài Gòn đã biến Baguette thành loại bánh mì đặc trưng nổi tiếng trên nhiều quốc gia và được bình chọn là 1 trong những món ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới. Nói vậy để thấy, văn hóa ẩm thực Việt đảm bảo giá trị về mọi phương diện: chuyên chở lịch sử, đặc trưng, đồng thời pha trộn hài hòa cả nét truyền thống và hiện đại.
Chúng ta vẫn hay ví “ăn cơm Tàu” để nói về sự đặc sắc của ẩm thực Trung Quốc; Văn hóa ẩm thực Nhật cũng đã chinh phục thế giới hay chỉ với món trà sữa, Đài Loan cũng làm giới trẻ nhiều nước say mê… Chọn ẩm thực, ông có cho rằng chúng ta đang tự làm khó mình?
Thực ra ẩm thực VN đang sở hữu nhiều lợi thế mà ngay bản thân người Việt cũng chưa nhìn thấy hết. Đầu tiên có thể thấy các món ăn VN thiên về tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên, giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe nhưng cũng rất thanh tao, phù hợp với xu thế hiện tại của thế giới đó là hạn chế chất béo. Ví dụ chúng ta ăn rau sống, rau luộc, ít món chiên, xào; đáp ứng được hầu hết các yêu cầu về ẩm thực hiện đại. Thứ hai, VN là một nước nông nghiệp, một trong các nước đứng đầu thế giới về các mặt hàng nông sản như tôm, cua, cá, tiêu, điều, cà phê… Do có nhiều địa hình khác nhau, từ vùng biển lên vùng núi, từ nơi có khí hậu ôn đới đến nhiệt đới, mỗi vùng chúng ta lại có một nguồn nguyên liệu đặc trưng, phong phú.
Bản thân cách thức chế biến của người Việt đa dạng. Từ những nguyên liệu hết sức bình thường nhưng qua bàn tay “phù phép” của các đầu bếp Việt có thể trở thành những món ăn rất ngon, đặc sắc. Vừa rồi, tôi có dẫn một đoàn gồm chủ tịch các hãng du lịch nước ngoài đến ăn tại một nhà hàng ở VN. Khi tôi gọi món sườn heo, các vị khách có vẻ không mấy hào hứng vì cho rằng sườn heo thì ở đâu mà chẳng có. Tuy nhiên, khi đầu bếp đưa ra đĩa sườn heo cùng nước xốt hoa hồi, ăn kèm một lát quế chi mỏng vùng Quảng Nam thì họ rất ngạc nhiên và ai cũng thích.
Cuối cùng, kiểu cách, văn hóa của người Việt khi ăn uống cũng được coi trọng. Sự tinh tế, truyền thống, nét văn hóa được thể hiện rất rõ trong cách thưởng thức ẩm thực, không phồn thực. Đây cũng là cốt cách, là cái hồn tạo nên nét riêng, nét hấp dẫn đặc biệt đối với ẩm thực VN.
Bên cạnh tất cả những điều ông vừa nói thì yếu tố quan trọng hàng đầu mà thế giới đặt ra với thực phẩm là an toàn, mà đây cũng chính là điểm yếu là chúng ta?
Đây cũng là một phần quan trọng trong sứ mệnh của hiệp hội. Thực phẩm bẩn đang khiến người Việt ngày càng có thêm nhiều nghi ngờ vào những thứ mình “bỏ miệng” hằng ngày, dần dẫn đến tâm lý chuộng hàng ngoại. Chính vì thế, bên cạnh duy trì và gìn giữ, phát triển văn hóa ẩm thực VN, chúng tôi còn có trách nhiệm xác minh, chỉ rõ các nguồn cung cấp thực phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiệp hội sẽ kết hợp với các nhà cung cấp, khẳng định quá trình, giá trị của họ, để người tiêu dùng hiểu và yên tâm. Khi đã định vị được chất lượng thì niềm tin nơi người tiêu dùng sẽ được củng cố.
Một du khách nước ngoài thích thú với 2 ổ bánh mì sau khi xếp hàng mua ở tiệm bánh mì Huỳnh Hoa (Q.1, TP.HCM)ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Nông sản của VN được đánh giá là rất ngon, một số loại trái cây cũng đã xuất được vào các thị trường khó tính, nhưng năm nào nông nghiệp cũng đứng trước các cuộc giải cứu, trong các mục tiêu của hiệp hội, có mục tiêu nào có thể giúp tiêu thụ nông sản hiệu quả hơn cho bà con nông dân không thưa ông?
Với cuộc sống công nghiệp như hiện nay, không phải lúc nào mình cũng có đủ thời gian để nấu những món ăn nhiều vị, phức tạp. Vậy tại sao không nghĩ đến việc có người nấu hộ trước, cô lại, chuyển hóa thành đồ ăn nhanh? VN cũng có rất nhiều loại trái cây ngon nhưng nước từ trái cây hầu hết đều phải nhập ngoại. Đó là một sự lãng phí. Vì vậy, hiệp hội tự đặt ra trách nhiệm đào tạo cách thức làm món, làm thật tốt khâu chế biến để vừa giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản, vừa tăng giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản VN. Chúng tôi sẽ mở những trường đào tạo, mở các cuộc thi, kích thích thúc đẩy, tạo ra một nền ẩm thực chuyên nghiệp thật sự. Khi đó, ẩm thực sẽ chính thức trở thành thương hiệu khi nhắc đến VN.
Khách nước ngoài ăn phởẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
|
Vậy còn có gì khó khăn để đưa VN trở thành “bếp ăn của thế giới”, thưa ông?
Khó khăn chính là không có một tổ chức nào đủ lớn đứng ra nhận trách nhiệm và khai thác tốt những tiềm năng văn hóa ẩm thực sẵn có. Hiện nay chúng ta đang có khoảng 200.000 – 300.000 quán ăn trên cả nước; khoảng 15.000 – 20.000 nhà hàng Việt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Kế hoạch của hiệp hội là hằng tuần sẽ chọn ra 2 ngày để tổ chức ngày ẩm thực cho từng quán ăn, tại từng khu vực, thuộc từng nhóm khác nhau. Trong ngày hôm đó, hiệp hội sẽ hỗ trợ quảng bá trước, khách đến sẽ được nếm thử các món ăn miễn phí được nấu bởi đầu bếp của quán cùng các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực của hiệp hội. Đến nay, đã có 6 nhóm người Việt ở nước ngoài đến từ Nga, Đức, Pháp, Singapore, Mỹ và Hàn Quốc đăng ký trở thành thành viên của hiệp hội với mong muốn được hỗ trợ về kỹ thuật nấu ăn và định hình phong cách.
Từ nay đến Tết Nguyên đán 2018, hiệp hội phấn đấu tổ chức khoảng 5 hội thảo và 3 sự kiện ở khắp các vùng miền. Tiến hành mở rộng kết nạp thêm hội viên, thành lập các chi hội ở các khu vực. Cố gắng từ giờ đến 2025 sẽ xây dựng được các kinh đô văn hóa ẩm thực, thủ phủ và bảo tàng ẩm thực VN.
Theo ông, việc xây dựng thành công ẩm thực thành thương hiệu quốc gia sẽ tác động thế nào đến du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung?
Tôi có thể khẳng định rằng, khi đã trở thành thương hiệu, tài sản quốc gia, ẩm thực sẽ tác động rất lớn đến nhiều ngành kinh tế mà trước nhất là du lịch. Chúng ta điều biết câu nói “con đường ngắn nhất để đi đến tình yêu là thông qua dạ dày”. Khách du lịch đi đến bất cứ một nơi nào cũng mong muốn được thưởng thức đồ ăn ngon. Ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành du lịch. Nếu làm tốt, toàn bộ kinh tế, hệ thống dịch vụ tại chỗ sẽ được kích thích, phát triển, phần lợi nhuận nhà nước thu được từ tỷ lệ 70% này sẽ ngày càng lớn. Như tôi đã nói, phát triển ẩm thực một cách chuyên nghiệp sẽ giải quyết tất cả nguồn ra cho nguyên liệu, thực phẩm, giúp nâng cao đời sống người dân, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho đất nước.
Ẩm thực Việt được báo chí thế giới vinh danh
Năm 2014, bánh mì VN đã tạo nên cơn sốt mới của ẩm thực đường phố trên toàn thế giới, bởi thế chẳng có gì bất ngờ khi nó lọt vào top 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới theo bình chọn của Huffington Post. Cùng năm, trang National Geographic cũng đưa bún chả Hà Nội vào danh sách 10 món ăn đường phố tuyệt nhất thế giới. Vào năm 2015, chuyên trang CNN Travel tiếp tục đưa ra kết quả bình chọn đất nước có ẩm thực được du khách yêu thích nhất và món nem rán của VN góp mặt trong danh sách này. Phở cùng gỏi cuốn cũng được CNN xếp trong danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới. Đầu năm 2017, chuyên mục du lịch của tờ The Telegraph xếp Hà Nội đứng thứ 2 trong số 18 thành phố có ẩm thực hấp dẫn trên thế giới.
|
Hiệp hội ra đời là cần thiết
Từ cách đây rất nhiều năm, cá kho làng Vũ Đại, cá bống kho tiêu đã xuất hiện và trở thành món ăn được ưa chuộng ở Pháp. Người nước ngoài đến VN cũng rất “mê” cá kho tộ, canh chua Nam bộ, chả giò (nem Bắc), một số thực phẩm chế biến như bánh chưng, chả lụa và đặc biệt là hệ thống gia vị cực kỳ đa dạng của VN. Tôi còn nhớ cách đây hàng chục năm khi tới VN, cha đẻ học lý tiếp thị hiện đại Philip Kotler đã khuyến khích “VN hãy là bếp ăn của thế giới”. Nấu ăn là một nghệ thuật nhưng ngoài tài năng cá nhân còn cần sự đào tạo chuyên nghiệp thông qua các hiệp hội và các tổ chức này cũng đóng vai trò tiên quyết trong việc giới thiệu nhân tài, sản phẩm VN vươn ra thế giới. Vì vậy, sự ra đời của các tổ chức, hiệp hội về ẩm thực là rất cần thiết.
TS Nguyễn Khắc Thuần, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kỷ lục
Ẩm thực giúp thế giới hiểu con người, văn hóa VN hơn
Văn hóa ẩm thực VN đã được thế giới công nhận nhưng chúng ta chưa có sự quảng bá rộng rãi, chưa khai thác được hết những đặc sắc nên còn hạn chế hiểu biết của người nước ngoài. Thậm chí ngay chính người VN cũng chưa hiểu thấu đáo về nền ẩm thực của dân tộc mình. Chúng ta mới chỉ quan tâm đến một phần rất nhỏ là món ăn, còn không gian, ứng xử trong khi ăn thể hiện văn hóa đa dạng của người Việt thì chưa được để ý, làm rõ. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, các món ăn không chỉ giúp bạn bè quốc tế biết đến ẩm thực VN mà còn giúp họ hiểu được con người, văn hóa VN. Đó là nền văn hóa mang đậm tính nhân văn.
PGS-TS Phan An, nhà nghiên cứu văn hóa
|
Hà Mai
(thực hiện)
Nguồn: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/dua-viet-nam-thanh-bep-an-cua-the-gioi-878796.html
Lập trung tâm ẩm thực Việt Nam để hỗ trợ phát triển du lịch
15 món ăn làm rạng danh ẩm thực Việt trên thế giới