Mấy ngày Tết, đa phần dân thành phố về quê “ăn Tết”. Nếu bạn là dân miền Tây thì khỏi phải nói, còn bằng như các bạn là người xứ khác thì cũng nên có lần về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thăm thú xứ sở sông nước với mênh mông đồng ruộng, vườn cây, rừng tràm, rừng đước, tìm hiểu đất nước con người nơi đây
Do đặc trưng môi trường và thổ nhưỡng, nên ĐBSCL có rất nhiều món đặc sản ngon lạ, “không đụng hàng” với những vùng miền khác. Ngày Tết, về miền Tây mời các bạn thưởng thức vài món quê, dân dã mà ngon:
Lươn um lá cách. Lươn là là loại bò sát máu lạnh sống nơi có nhiều bùn, phù sa giàu hữu cơ. Lươn bình thường bằng ngón chân cái người lớn; những con bé thì cỡ ngón tay trỏ. Làm lươn cũng đơn giản. Có thể dùng nước sôi pha ấm cạo sạch, móc ruột; cũng có thể làm sạch nhớt bằng cách chà phèn, chế giấm. Ở nông thôn người ta thường lấy lá ngái, lá chuối tươi vò, vuột cũng rất sạch. Kế đến, chuẩn bị gia vị.
Lá cách tươi một bó chừng hai nắm tay, sắp dưới đáy nồi, chảo; một mớ để lại, dùng để sắp lên trên mình lươn.
Chảo bắt lên nóng, khử sả, tỏi cho thơm rồi cho lươn vào, chiên sơ lươn thật nhanh, lấy ra sắp vào nồi um, phủ lá cách lên. Nước giảo (nước cốt nhì) dừa khô đổ vào nồi đun lửa liu riu. Bỏ thêm vài cọng lá sả cột gọn. Nắp nồi đậy hé, chừng 5 phút khi thấy da lươn hơi giãn ra thì đổ nước cốt đặc vào. Trong nước cốt ta dằn trước ít bột nghệ, ngũ vị hương, chút muối ăn, bột ngọt. Khi nào thấy da lươn nứt nhẹ ra thì bắc nồi um xuống.
Xúc lươn ra dĩa và rắc rau mù om sắc nhuyễn, đậu phộng rang thơm. Nước chắm làm bằng nước cốt dừa, dằn muối, bột ngọt và sả bằm.
Thế là chúng ta đã có một món ăn độc đáo, thơm ngon, dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn. Theo đông y: Thịt lươn giàu dinh dưỡng, mát, có tính dược, bồi bổ cơ thể; phụ nữ sau khi sinh nở và người vừa hết bệnh ăn thịt lươn rất tốt!
Lẩu cá ngát nấu bần. Cá ngát thuộc loại cá da trơn, đầu to hơn thân, có râu (xúc tu), giống cá trê trắng nước ngọt. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều món ăn, nhưng ngon nhất vẫn là món canh chua nấu với trái bần dốt. Cặp trứng cá ngát có màu vàng rơm rất hấp dẫn và nhiều dinh dưỡng. Bần dốt có khá nhiều ở những bãi ven sông vùng ĐBSCL.
Bắc nồi nước lên bếp, dằn ít muối hột. Cá làm sạch và cắt khúc để ráo. Rau, bổi như bạc hà, bông súng, rau muống, cù nèo, chuối ghém bày ra mâm, rổ. Khi nước sôi, ta cho vài trái bần dốt vào nồi, sau đó chừng năm phút vớt bần ra tô, tán nhuyễn lấy chất bột chua, lược để loại bỏ hột và vỏ. Cho tô nước bần chua trở lại nồi và nêm thử, đủ độ chua vừa phải, sau đó cho những khúc cá vào, đợi nước sôi bùng lên, ta nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Rau nêm như ngò om, cần dày lá, quế cho vào sau cùng. Nếu thích cay nồng có thể thêm ớt hiểm xanh đâm dập và xã bằm vào nước chua. Để lẩu cá ngát sôi liu riu, muốn ăn rau gì, gắp nhúng vừa miếng ăn…
Cá chạch kho nghệ. Cá chạch thường bằng ngón chân cái, mình dẹp, đầu nhọn, dài khoảng 20-30 cm, sống dưới lớp đất phù sa dày hai, ba tấc. Cá chạch ăn các sinh vật phù du có trong đất hoặc bọt nước. Ruột cá chạch thường rất sạch, nên người ta không mổ ra như các loại cá khác.
Món cá chạch kho nghệ tuy đơn giản nhưng làm “mồi” ăn cơm rất ngon! Đây là một món ăn bình dân nhưng lạ miệng.
Rửa cá chạch bằng nước phèn chua cho sạch, để trong rổ thưa cho ráo nước và sắp vào thau, dĩa. Ướp muối, đường, bột ngọt và ớt băm nhỏ trộn đều cho thấm. Rau sống gồm: Chuối chát, khế chua, đọt cóc, ngò gai, mù om, cà chua, dưa cải rửa sạch cũng được đơm ra dĩa. Cá được bắc lên ơ đất, đổ một trái dừa tươi kho riêu. Cầm lửa đều chừng hai mươi phút là cá chín, da cá giãn ra là dùng được. Lúc nước vừa chớm sôi ta cho chừng một muỗng cà phê bột nghệ vào (nếu có nghệ nhà mài ra sử dụng thì rất tốt)
Cá chạch múc ra tô, dĩa, có thể vắt vào một miếng chanh cho dịu. Món cá chạch kho nghệ ăn với cơm gạo mới thật tuyệt vời. Thịt cá béo, ngon ngót, mùi cá thơm lựng.
Lẩu sườn trâu hầm sả. Trâu là loài gia súc rất quen thuộc với người nông dân. Trước đây một thời gian rất dài, trâu được sử dụng làm sức kéo trong nông, lâm nghiệp. Ngày nay, đồng ruộng đã được cơ giới hóa, nên người ta chăn nuôi trâu chủ yếu dùng để… xẻ thịt. Trâu bò ngày nay là nguồn cung cấp thực phẩm khá phổ biến.
Mua sườn trâu lựa những bẹ dài (sườn già) sẽ có một lớp thịt dày hơn sườn non (sườn hụt). Chặt sườn trâu ra thành từng miếng nhỏ vuông cỡ 4 cm, nếu sườn trâu sạch thì không cần rửa nước. Cho thịt vào nồi, đổ nước lạnh ngập lên chừng 5 cm nấu cho sôi lên và xả bỏ nước đầu, thịt sẽ không có mùi hôi. Trút thịt vào rổ, dội, xốc thịt bằng nước lạnh và để một lúc cho thịt nguội, ráo nước. Cho thịt vào nồi và đổ nước mới, nấu lại với lửa mạnh.
Khi thấy thịt sườn trâu mềm, ta nêm muối, bột ngọt, một vốc đậu phộng hột, một củ gừng nướng bằng lóng tay đâm dập nhuyễn, vài gốc sả cọng đập hơi dập. Cho củ cải trắng, đu đủ hườm cắt vuông, vài lá bắp cải, ít khúc mướp cho ngọt nước. Sau cùng cho hành lá sắc hột lựu vào cho thơm.
Ăn lẩu trâu hầm sả với bún, mì sợi, cơm tùy thích. Rau để nhúng rất đa dạng như cù nèo, tai tượng, mồng tơi, cải xanh, rau muống, đậu bắp, cải cúc… Theo y học cổ truyền, thịt trâu có tính mát, lành, giàu đạm và khoáng, trị phong tê, bồi bổ gân cốt rất tốt.
Cắn miếng sườn trâu đã hầm mềm múp, húp một miếng nước lẩu ngọt thơm mùi sả nóng hổi, bạn sẽ thấy khỏe người và sảng khoái “giải nghể”.
Ngày Tết, sau khi thưởng thức những món đặc sản “không đụng hàng” của miền Tây sông Hậu, chắc rằng bạn rất ấn tượng về những món ăn dân dã, dễ làm nhưng không kém phần thơm ngon, hấp dẫn, bạn sẽ thấy yêu mến thêm vùng đất mênh mang sông nước của ĐBSCL.
Hoàng Thám (NTD)