Tằm sắn
Món ăn từ loài tằm này khá phổ biến ở các tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Ảnh minh họa
Tằm sắn tươi được xem là đặc sản ở nhiều vùng. Loại tằm thường được nuôi lấy tơ sau khi vào kén sẽ thành những chú tằm sun mũm mĩm, béo tròn và lẳn.
Người ta đem tằm thả vào chậu đầy nước, khoắng rửa cho sạch, rồi chần trong nước sôi. Tằm được bỏ vào chảo rang cùng với muối, đảo luôn tay để tránh bị khét. Khi những con tằm đã săn lại thì múc tằm ra đĩa, để riêng. Sau đó rắc một ít lá chanh thái chỉ vào chảo tằm rang vừa bắc xuống.
Có vẻ ngoài kinh dị nhưng món ăn này được xem là đặc sản. Ảnh minh họa
Con tằm rang khéo có mầu vàng bóng đẹp mắt, khi ăn có vị ngọt đậm, béo ngậy nơi đầu lưỡi. Món ăn từ loài tằm này khá phổ biến ở các tỉnh phía Bắc của Việt Nam.
Sâu chít
Sâu chít xào có vị béo ngậy, ngọt đậm. Ảnh minh họa
Sâu chít là ấu trùng sống trong thân cây chít hay cây đót, cây le vào mùa đông. Sâu dài khoảng 35mm. Để biết cây nào có sâu chít, người thu hái sẽ lựa chọn những cây có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa.
Người dân bắt sâu chít bằng cách “chẻ” đôi ngọn chít để moi sâu ra. Những con sâu chít tươi rói có màu trắng sữa, căng mọng sau khi được lấy ra thường được thả trong chậu rượu nhạt. Thứ rượu ấy sẽ giữ cho sâu không bị biến chất.
Loài sâu này sống trong thân cây chít phổ biến ở các tỉnh phía Bắc. Ảnh minh họa
Đối với người dân Tây Bắc, sâu chít là niềm tự hào về sản vật đặc biệt của địa phương mình. Sâu chít chính là một trong những đặc sản thiên nhiên “có một không hai” chỉ có ở một số vùng núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La.
Nòng nọc
Những chú nòng nọc bụng trắng tinh, béo mẫm và mềm mại được xem là đặc sản của người Mường Thanh Hóa. Ảnh minh họa
Miền Tây xứ Thanh đã quá nổi tiếng với các đặc sản như sâu măng chiên, chuột đồng nướng trui, nhái rừng,… Nhưng ít ai biết rằng, món ăn mà người Mường ở vùng này yêu thích nhất chính là các món làm từ nòng nọc.
Vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch hàng năm, người địa phương thường vào rừng từ đầu giờ sáng hoặc lúc chiều muộn để bắt nòng nọc.
Nòng nọc om măng – món ăn được người Mường Thanh Hóa xem là đặc sản. Ảnh minh họa
Nòng nọc sau khi bắt về được rửa qua, dùng mũi dao nhọn gẩy nhẹ vào bụng, lôi phần lòng ruột cho ra ngoài rồi rửa sạch. Sau đó để cho ráo mới mang đi chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: nấu canh với rau rừng; ướp với sả, ớt để xào, nướng… Nhưng món được yêu thích nhất phải kể đến nòng nọc om măng.
Những chú nòng nọc bụng trắng tinh, béo mẫm và mềm mại nằm ngon lành trên bát măng om nghi ngút khói là thứ đặc sản làm không ít người phải ngại ngần khi lần đầu thưởng thức. Nhưng nếu can đảm nếm thử, gắp một chú nòng nọc cho vào miệng, bạn sẽ thấy một mùi thơm đặc trưng, ăn vào thấy mềm ngọt, phảng phất đâu đó chút vị đắng nhẹ của măng rừng và nước dùng béo ngậy, đậm đà.
Sá Sùng
Đây được xem là món ăn đặc sản có giá đắt đỏ như vàng khi 1kg sá sùng có giá vào khoảng 4 triệu đồng/kg.
Sá sùng hay còn gọi là con trùn biển, sâu đất, địa sâm… sống nhiều ở những bờ biển thuộc Quảng Ninh như: Vân Đồn, Quan Lạn. Đây được xem là món ăn đặc sản có giá đắt đỏ như vàng khi 1kg sá sùng có giá vào khoảng 4 triệu đồng/kg.
Với người “yếu bóng vía” thì nhìn loại sá sùng tươi sẽ không khỏi giật mình vì chúng trông giống như những con giun khổng lồ. Khi còn tươi, sá sùng có độ dài khoảng 5 đến 10cm, thân mềm oặt, màu hồng nhạt, khi bị bắt lên khỏi mặt biển, chúng thu mình lại, tròn như một quả bóng, cái miệng bé như lỗ van bơm hơi. Tuy nhiên sá sùng được xem là đặc sản có thể chế biến được nhiều món ăn ngon trứ danh.
Khi còn tươi, sá sùng có độ dài khoảng 5 đến 10cm, thân mềm oặt, màu hồng nhạt, khi bị bắt lên khỏi mặt biển, chúng thu mình lại, tròn như một quả bóng. Ảnh minh họa
Ngày xưa, người ta dùng sá sùng chủ yếu như một dạng tôm khô dùng trong chế biến các loại nước lèo làm phở, hủ tíu, bún. Ngày nay, sá sùng có trong thực đơn các nhà hàng hải sản, đặc biệt là món nướng. Sá sùng nướng, ăn chấm muối ớt vắt chanh, cũng có thể ướp muối ớt rồi nướng. Sá sùng vừa giòn, mềm, lại dai dai, có vị béo và ngọt nên càng ăn càng thấy ngon.
Sùng đất
Nhìn bề ngoài, sùng đất dễ khiến ta có cảm giác rùng mình. Ảnh: Quốc Triều
Thông thường, sùng đất trưởng thành vào mùa mưa, độ giữa tháng 8 cho đến hết tháng 12 (âm lịch). Cứ mỗi độ đến mùa sùng đất, người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi lại tranh thủ “hái lộc” từ con vật trời cho này. Chúng thường sống ở các bãi bồi ven sông hoặc tại các vùng đất pha cát và nhiều lá mục, nơi có đất ẩm thấp ở trung du, miền núi…
Mùa săn sùng đất thường bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch hàng năm. Ảnh: Quốc Triều
Theo nhiều người dân, sùng đất có thể là ấu trùng của bọ hung. Một con sùng đất trưởng thành to bằng ngón tay út người lớn, có màu trắng ngà, trắng xanh hoặc vàng. Phần đầu, chân và càng của chúng có màu nâu đậm hơn, giống như cánh gián. Các đốt trên cơ thể sùng đất đều có lông tơ dạng móc câu.
Nhìn bề ngoài, sùng đất dễ khiến ta có cảm giác rùng mình. Nhưng khi thưởng thức hương vị của nó, nhiều người mới gật gù mà tấm tắc khen ngon. Có vô vàn món ngon được chế biến từ sùng đất như luộc, rang hay băm nhỏ đúc bánh xèo,… Nhưng dậy mùi và giữ được hương vị vốn có của sùng nhất vẫn phải kể đến món sùng nướng muối ớt.
Cách chế biến sùng đất cũng khá đơn giản, chỉ cần ngắt đuôi rồi ngâm trong nước, sùng sẽ trở nên sạch trắng hơn. Sau đó, chúng được nhúng nước sôi để cục mỡ xoăn lại. Bước sơ chế này sẽ khiến mỡ trong cơ thể chúng không bị văng ra, đảm bảo món ăn có hương vị ngon nhất.
Sùng sau khi được làm sạch thì cho muối ớt xanh vào xóc đều. Sau chừng năm phút, người chế biến sẽ cho sùng vào vỉ hoặc xâu thành từng xâu, đem nướng trên bếp than hồng. Sùng nướng vừa chín tới sẽ giữ được vị dai, thơm, ngọt và béo. Món ăn chỉ đơn giản là vậy, nhưng khi ăn bạn mới cảm nhận hết hương vị thơm ngon.
Cắn nhẹ một con sùng, ta nghe dậy mùi thơm, vị dai giòn bên ngoài hòa lẫn với phần sữa béo ngậy bên trong tứa ra, làm mê mẩn cả vị giác.
Theo Dân trí