Chị của tôi thích những ly cà phê uống chậm trong một quán cà phê cũ. Chị bảo những quán cà phê cũ ấy là một phần linh hồn thành phố, là nơi để người già nghĩ đến những câu chuyện cũ, nói với nhau về những câu chuyện cũ, trong những buổi sáng, buổi chiều…
Tôi thì ngại sự già cỗi, sợ những cũ kỹ ở quán cà phê trong ngõ nhỏ, nép mình trầm mặc. Tuổi 30, tôi vẫn thích lang thang trên phố, ở những quán cà phê bệt, cà phê chạy, vừa thưởng thức vừa ngắm dòng người vội vã, cả những cô nàng xinh đẹp vụt qua…, như thời 18. Tôi gọi nơi tôi ghé đều là cà phê phố. Cà phê phố của tôi không nhàu cũ.
Chị của tôi bảo, khi những người bạn già ngồi bên nhau, thời gian trôi ngược lại. Sau cặp kính trắng, những hồi ức miên man. Những quán cà phê cũ cũng giống như những người già ngồi trong quán, đã đi qua rất lâu thời gian, chứng kiến nhiều thay đổi, nhìn thấy hết, thấu hiểu và lưu giữ hết, lặng lẽ và yên bình, âm thầm nâng niu ký ức mà ít khi oán trách. Những người đã hiểu cuộc sống đến từng chân tơ kẽ tóc, có thể lý giải mọi thăng trầm càng thiết tha từng giây từng ngày của thành phố bé nhỏ. Quán cũng biết nhiều vềcuộc đời nên không có vẻ ngoài phô trương, cầu kỳ nữa.
Cà phê của tôi, cà phê trên phố của tôi vẫn có những người bạn già ngồi bên nhau, nhưng có vẻ như họ chẳng đi ngược về quá khứ, xưa cũ lúc này đóng chặc. Họ cười, lạm bàn thế sự, bóng banh… như những người trẻ chúng tôi. Đôi lúc, một thiếu nữ cất đôi chân thon gọn trắng ngà vụt qua, những người bạn già ấy có khác gì chúng tôi, tươi vui dõi theo như với lấy một làn gió mát, hít hà hương mạ thơm nồng trên đồng xanh vậy. Ai, tuổi nào cũng có quyền trân quý cái đẹp, như một lẽ tự nhiên vậy.
Quán cà phê cũ của chị tôi vây quanh là chân tường đã lem nhem những rêu, bàn ghế đã loang lổ những vết ố cà phê nâu thẫm… Riêng hoa trên bàn luôn tỏa hương thanh khiết, và mọi mặt người đều gần gũi thân quen. “Tôi vẫn mong một sớm mùa hè, gạt những ưu tư thường nhật sang một bên để ngồi xuống một quán cũ ven đường, nâng ly cà phê nóng, lặng lẽ nhìn dòng người sôi động lướt ngoài kia, để nhận ra trong ly cà phê của mình có vị của cuộc đời…”, chị viết.
Tôi thì tả khác. Cà phê phố của tôi, có những anh công nhân, chị lao công, bác xe ôm kiếm cho mình một khoảnh khắc thảnh thơi trước khi lao vào một ngày làm việc. Cà phê trên hè phố, giá 10 ngàn, 12 ngàn cũng đủ vị đậm đà, đủ khả năng thêm vài nét cọ tươi màu cho dòng người tất bật. Nhâm nhi ly cà phê, không có mùi hoa hồng thanh khiết, hương sen dịu nhẹ, mà chỉ mùi của khói xe, mùi của mồ hôi, mùi của cái nghèo, mùi từ cơ cực.
Cà phê phố của tôi, là những quán siêu sang trên giao lộ đắc địa Sài thành. Bạn cà phê của chúng tôi, những chàng trai cô gái đi ra từ phố xá, bàn tay trắng tươi nâng niu chiếc ly trong vắt chứa trong đó thứ nước nhiệm màu được trộn màu, mùi và xúc cảm của cà phê, của sữa, của kem, của cô phục vụ cúi chào, của sự đủ đầy.
Cà phê phố của tôi, dành cho tất cả, không có bất cứ gì khác biệt, về tài khoản ngân hàng, sổ đỏ, tuổi tác, sở thích. Cũng ít khi gặp được nhiều gương mặt quen thân, gần gũi. Anh giám đốc đi giày Gucci, cô gái yêu kiều đeo bản tên của một ngân hàng lớn trước ngực, chú taxi với chiếc smartphone bong tróc tranh thủ dùng Google Map tìm đường… Tất cả đều xa lạ, như kẻ trọ một sáng, một chiều tình cờ chung chỗ, mà quen.
Không ở hai thế giới, nhưng cà phê cũ Hà Nội không giống cà phê phố Sài thành.
Ở Việt Nam hiện MacCoffee gọi tên những sản phẩm của mình là MacCoffee Café Phố, cái tên thân thuộc với nhịp sống Việt Nam, người Việt Nam, và tôi nữa.
Nguồn: Kenh14