Không gian văn hóa ẩm thực Saigon – Thành phố Hồ Chí Minh xưa và nay góp phần tạo sân chơi, giao lưu văn hóa ẩm thực cho người dân thành phố và cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự kiện gây ấn tượng bởi sự đa dạng ẩm thực nhiều vùng miền trong nước và quốc tế, quy mô tổ chức và số lượng các đơn vị tham dự trưng bày từ các tổ chức hợp tác xã, lãnh sự quán đến tư nhân. Một số các sản phẩm ẩm thực làng nghề Việt Nam gây thương nhớ trong chương trình phải kể đến: bún miến Quảng Nam, mật hoa dừa Trà Vinh, bánh pía Tây Ninh, bột sen, củ ấu Đồng Tháp, cà phê Trái cây … Bên cạnh đó, lãnh sự quán các nước như Indonesia, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan … cũng tham gia trưng bày những sản phẩm, đặc sản của nước mình để giới thiệu tới đông đảo nhân dân thành phố.
Không gian sự kiện được thiết kế đẹp mắt, chia thành 3 khu vực: Khu Ẩm thực Sài Gòn xưa; Khu Ẩm thực các vùng miền và ẩm thực quốc tế; Khu Đặc sản Việt Nam hội nhập … với nhiều hoạt động giải trí vui vẻ. Sau 4 ngày tổ chức, “Không gian văn hóa ẩm thực Saigon – Thành phố Hồ Chí Minh xưa và nay” thu hút hơn 100.000 người tham dự, trong đó có cả khách du lịch nước ngoài và người dân các tỉnh thành khác đến du lịch.
Đặc biệt, Khu Ẩm thực Sài Gòn xưa không chỉ có màn trình diễn chế biến của các đầu bếp uy tín, phục vụ các món ăn đặc trưng của Sài Gòn và còn có không gian trò chơi tương tác thú vị của nhà tài trợ chính là công ty Suntory Pepsico Việt Nam với các nhãn hàng nổi tiếng như Pepsi, Mirinda, 7up cùng các chương trình nhận quà hấp dẫn từ mỗi nhãn hàng.
“Không gian văn hóa ẩm thực Saigon – Thành phố Hồ Chí Minh xưa và nay” được tổ chức lần đầu tại Công viên Bến Bạch Đằng nên không tránh khỏi diễn ra ùn tắt trong những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, hoạt động ẩm thực dân gian của chương trình đã góp phần tạo nền tảng quảng bá nét văn hóa ẩm thực Việt Nam tới người dân thành phố và bạn bè quốc tế.
Dạo một vòng trao đổi các gian hàng, nhận thấy, sự kiện đã tạo ấn tượng trong lòng các đơn vị lần đầu tham gia hoạt động giao lưu ẩm thực theo chủ đề Sài Gòng Xưa và Nay tại ngày hội. Bà Nguyễn Thị Hương Giang – đại diện công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Thương mại Phúc An Phát tham dự triển lãm chia sẻ: “ Đây là lần đầu tiên công ty tham dự triển lãm dạng này tại TP.HCM và thấy hiếm có sự kiện ẩm thực nào có sự đầu tư thiết kế theo cảnh trí cho khách tham quan có thể chụp ảnh như thế này, sự kiện thu hút nhiều khách hàng tiêu dùng hơn mức công ty kỳ vọng và cũng giúp công ty có thể tìm hiểu nhu cầu khách hàng cả sỉ và lẻ, kết nối được những người cùng ngành nghề ẩm thực để học hỏi, phối hợp phát triển cùng nhau sau sự kiện.”
Một khách tham quan đồng thời là nhà báo viết về ẩm thực, bà Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao hoạt động trưng bày 100 món Bánh Xưa và Nay của Nghệ nhân Ngọc Lan trong ngày hội: “Việc tìm kiếm các món bánh xưa của Việt Nam rất hiếm thấy,tôi đã đi rất nhiều hội chợ, nhưng không phải lúc nào cũng gặp được, sự kiện lần này có nhiều khu ẩm thực chất lượng như quầy hàng 100 món bánh xưa và nay của nghệ nhân Ngọc Lan, có các bếp ngon trong thành phố như Bún cà ri khu vực quận 5, bún nước lèo Sóc Trăng, cũng được mời về, nên đáng để tôi mời bạn bè đến tham dự.”
Không gian văn hóa ẩm thực khép lại sau sau 4 ngày tổ chức và mở ra tuần lễ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều sự mong chờ tiếp nối. Có thể nói Lễ hội “Thành phố Hồ Chí Minh – Ngôi nhà của chúng ta”, tuy còn thiếu sót trong công tác tổ chức về một số vấn đề như: không gian bỏ rác, việc phân chia các khu quầy tự chọn và mua bán tập trung chưa rõ ràng, chưa có sơ đồ hướng dẫn đi lại giữa các gian thuận tiện cho người dân tìm kiếm món ăn mình mong muốn để nếm thử, trải nghiệm. Nhưng tinh thần gắn kết văn hóa với ẩm thực, kể câu chuyện về văn hóa ẩm thực của một vùng đất Sài Gòn giao lưu và hội nhập trong thiết kế cảnh trí và việc cất công mời các gian hàng chất lượng để quảng bá sản phẩm Việt Nam đến cộng đồng khách quốc tế và người dân đang sinh sống tại thành phố, sự kiện lần này được đánh giá là hoạt động giao lưu văn hóa ẩm thực thành công nhất trong năm qua, tính đến thời điểm này với trung bình hơn 20,000 lượt khách tham quan mỗi ngày tại Công viên Bến Bạch Đằng, nơi lần đầu tiên tổ chức 1 chương trình giao lưu văn hóa ẩm thực quy mô lớn từ ngày thay đổi diện mạo mới đến nay.
Tổng thể “Không gian văn hóa ẩm thực Saigon – Thành phố Hồ Chí Minh xưa và nay”, đều được đầu tư cảnh trí các quầy hàng đẹp mắt thể hiện sự tiên phong trong việc đưa không gian lễ hội ẩm thực lên thành một hoạt động văn hóa có tính chia sẻ, kết nối và giao thương ngay tại một vị trí đắt địa là công viên Bến Bạch Đằng, nhằm tạo dấu ấn của thành phố, dấu ấn của sự kết nối, năng động và sáng tạo trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam thông qua những hoạt động giải trí gần gũi với công chúng.
Cao Minh