Những hàng bánh mì cay ở Hải Phòng là món ăn đường phố, món ăn được rất nhiều người yêu thích, đặc biệt là các bạn trẻ.
Bánh mì cay là một trong những món ăn nổi tiếng của thành phố hoa phượng đỏ. Dù không sang chảnh nhưng món ăn đường phố này khiến người dân nơi đây và khách phương xa tới đều “mê mẩn”.
Chúng tôi tìm đến quán bánh mì cay Bà Già trên phố Lê Lợi, quận Ngô Quyền lúc trời nhá nhem tối. Bà Hoàng Thị Toàn, 72 tuổi ngồi dưới một gốc cây phượng lớn ven đường tay cầm dao con thoăn thoắt vừa rạch bánh vừa phết pate vào, cạnh đó là bếp lò 3 tầng đầy ắp những chiếc bánh mì màu vàng nhạt.
Bà Toàn cho biết là người đầu tiên bán bánh mì cay ở phố Lê Lợi cách đây 25 năm, khi ấy cây phượng còn bé. Khách đến mua bánh nườm nượp, hết học sinh tan trường tới người đi tập thể dục, rồi phụ huynh đón con đi học về, tài xế taxi chạy xe buổi tối. Người kêu dăm cái bánh ăn tại chỗ, người mua chục cái bánh bọc giấy báo kèm gói tương ớt mang về.
Mặt tiền nhà bà Toàn là chỗ bán bánh mì. 2 người phụ nữ là con cháu bà Toàn ngồi quanh chiếc bàn tôn đầy những rổ bánh mì chờ phết pate, còn một số nhân viên khác luôn chân tay phục vụ khách. Hàng ngày tiệm bánh mì cay Bà Già bán được khoảng 500-600 ổ, đông nhất vào buổi chiều tới tối muộn. Để tăng thêm hương vị khi ăn bánh mì cay, thực khách có thể gọi thêm một cốc chè thái làm từ dừa tươi.
Mỗi chiếc bánh mì thon dài có giá chỉ 2.000 đồng, cái giá “mềm” như pate béo ngậy đang tan chảy trong lưỡi. Bà Toàn cho biết các tiệm bánh mì cay khác ở phố Lê Lợi đều bán theo giá như vậy. Giải thích về cái tên Bà Già dân dã, bà Toàn nói: “Quán nhà tôi lúc đầu tên là Vĩnh Khánh, khá đông khách nên một số người bán bánh mì cay cũng lấy tên cửa hàng như vậy để hút khách. Vì khách mua bánh gọi tôi là bà già nên sau này tôi thêm tên “chính hiệu Bà Già” để khách không bị nhầm lẫn”.
Ăn bánh mì cay và uống chè thái làm từ dừa tươi sẽ tăng thêm hương vị
Món bánh mì cay Hải Phòng có nguồn gốc từ một quán nhỏ ở ngõ Khánh Lạp trên đường Hàng Kênh. Đến nay, bánh mì cay được bán ở khắp Hải Phòng và lan rộng ra nhiều địa phương khác, trong đó có Hà Nội với tên gọi khác là bánh mì que. Người ta gọi tương ớt với cái tên rất vui tai: Chí chương.
Không bán bánh mì cay như tiệm Bà Già nhưng một tiệm bánh mì pate trong ngõ chợ Cột Đèn, quận Lê Chân cũng nức tiếng đất Cảng khi khá đông khách mua. Những chiếc bánh mì to được rạch dọc và phết pate, rải ruốc thịt lợn mềm như tơ vào cùng có giá từ 10.000 – 15.000 đồng/ổ. Theo chủ quán, để có pate ngon thì phải chọn loại gan và thịt lợn còn mới. Thịt lợn đem luộc và xay nhuyễn cùng gan rồi đem hấp cách thủy khoảng 4 – 6 giờ.
Có lẽ, bánh mì Hải Phòng là món ăn đường phố đã góp phần làm nên phong vị của vùng đất cửa biển này. Người ta thích ăn bánh mì Hải Phòng không chỉ bởi vừa bùi vừa béo ngậy mà còn bởi sự bình dân, giản tiện như chính tính cách của những con người nơi đây. Món ăn dân dã ấy đã trở thành một phần tuổi thơ của mỗi người Hải Phòng.
Tiệm bánh mì cay Bà Già luôn đông khách
Bánh mì cay đã trở thành một phần tuổi thơ của mỗi người Hải Phòng
Những kỷ niệm tuổi học trò cũng được lưu giữ ở…tiệm bánh mì cay
Dù là người lao động chân tay hay những người khá giả đều thích ăn bánh mì cay Hải Phòng
Những tiệm bánh mì ngon và đắt khách ở TP.Hải Phòng lại được bày bán ở vỉa hè, không biển hiệu, bàn ghế cầu kỳ
Dân dã bánh mì Hải Phòng 8Pate béo ngậy kèm một chút ruốc thịt lợn làm chiếc bánh mì đậm đà hơn
Những chiếc bánh mì pate vàng ruộm bắt mắt
Nướng bánh mì trên bếp than để luôn giòn
Bánh mì Hải Phòng là món ăn ưa thích của nhiều em nhỏ
Theo ihay