Hội ra đời với mục tiêu nâng tầm ẩm thực Việt Nam, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch, mang hình ảnh quốc gia đến bạn bè quốc tế.
Chiều 11/10, tại Dinh Độc Lập (TP HCM), 162 đại biểu đã thống nhất bầu ra 33 thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tại Đại hội lần thứ nhất.
Đầu năm 2017, chuyên mục du lịch của tờ The Telegraph xếp Hà Nội đứng thứ 2 trong số 18 thành phố có ẩm thực hấp dẫn thế giới. |
Sau 3 năm vận động, Hiệp hội đã được cấp phép thành lập với hơn 300 hội viên. Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện, tập hợp các cá nhân, tổ chức đang hoạt động hoặc làm việc có liên quan lĩnh vực ẩm thực Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá cao sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, các nhà quản lý trong việc bảo tồn, phát huy giá trị, và tôn vinh ẩm thực Việt Nam.
“Nền văn hóa ẩm thực gắn chặt với ngành du lịch Việt Nam. Do đó, sự ra đời của Hiệp hội sẽ vừa củng cố, phát huy giá trị ẩm thực Việt, vừa giúp giới thiệu ẩm thực Việt Nam đến với du khách quốc tế”, ông nói.
Việc ra đời Hiệp hội được kỳ vọng là bệ phóng đưa Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới”. Video: Phong Vinh
Việt Nam là nước nông nghiệp, đứng đầu thế giới về các mặt hàng nông sản nên ngoài việc phát triển văn hóa ẩm thực, Hiệp hội sẽ xác minh, chỉ rõ các nguồn cung cấp thực phẩm an toàn. Việc này vừa giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản, gia tăng giá trị xuất khẩu, vừa giúp người tiêu dùng an tâm với thực phẩm trên bàn ăn.
Khi trở thành thương hiệu quốc gia, ẩm thực sẽ tác động rất lớn đến kinh tế, nhất là du lịch bởi phần ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành.
Chia sẻ với VnExpress, bà Hoàng Thị Như Huy, nghệ nhân ưu tú Ẩm thực Việt Nam cho biết: “Trong các nhu cầu để khám phá một đất nước thì nhu cầu ẩm thực là một thứ không thể thiếu. Chính vì thế, nếu một món ăn nào đó của Việt Nam lên ngôi, được cả thế giới yêu thích thì đó chính là cơ hội để chúng ta thu hút du khách đến Việt Nam”.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, Trưởng đề án Bếp Việt – Bếp của thế giới, nhấn mạnh: “Ẩm thực Việt là sự pha trộn hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Nó không chỉ thể hiện bản sắc của dân tộc mà còn truyền tải những ý nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc”.