Cũng ấn định tháng 6 là thời gian khai mạc cuộc thi, tuy nhiên khác với những mùa thi trước, năm nay Chiếc Thìa Vàng sẽ diễn ra tại ba địa điểm, gồm: TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Sở dĩ địa điểm thi được rút gọn vì ban tổ chức muốn tạo điều kiện tốt hơn cho các đội thi về không gian và địa điểm thi đấu. Theo đó, các đầu bếp sẽ thi tài trong phim trường, sử dụng bàn bếp mới, một số dụng cụ nhà bếp do ban tổ chức trang bị. Do thi tập trung như vậy, cộng với tình hình số lượng các đội đăng ký dự thi, nên số ngày thi vòng sơ tuyển cũng sẽ tăng lên nhiều ngày hơn, mỗi cụm thi sẽ thi trong hai đến bốn ngày.
Thời gian thi cũng sẽ tăng thêm 20 phút thành 140 phút (so với 120 phút như trước đây), nhằm tạo điều kiện để các đầu bếp có thể chia sẻ thông tin, trao đổi với ban giám khảo, phóng viên báo đài trong quá trình thi mà không sợ bị áp lực. Không chỉ bố trí và tài trợ kinh phí đi lại, Ban tổ chức cũng hướng dẫn, bố trí chỗ ăn, ở cho các đầu bếp ở các tỉnh thành xa địa điểm thi. Ngoài ra, những thông tin về việc điều chỉnh khu vực thi, thời gian thi cũng được cung cấp kịp thời cho các đội thông qua các buổi giao lưu tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh Chiếc Thìa Vàng – hoạt động hoàn toàn mới chỉ có ở mùa thi năm nay – diễn ra trước thời gian thi hai tháng.
Điểm mới thứ hai đó là giá trị giải thưởng cuộc thi sẽ được tăng lên, và Ban tổ chức sẽ trao giải sau mỗi ngày thi. Đây là sự động viên kịp thời cũng như ghi nhận đóng góp, cống hiến của những đầu bếp đoạt giải bởi để bước lên bục vinh quang sau mỗi vòng thi, các đầu bếp đoạt giải ngoài tài năng và kỹ năng cần thêm sự đầu tư về thời gian, công sức để khám phá, nghiên cứu các loại nguyên liệu, gia vị mới; sáng tạo món ăn, chăm chút trong kỹ thuật trình bày… Theo đó, đội được trao giải nhất mỗi vòng thi sơ tuyển sẽ nhận được 40 triệu đồng, đội về nhì là 30 triệu đồng. Trong khi đó, giải nhất vòng bán kết là 50 triệu đồng và về nhì là 40 triệu đồng.
Với chủ đề: Hương vị quê nhà – Hành trình gia vị Việt, mỗi đội dự thi sẽ hoàn tất thực đơn 4 món ăn, gồm: món khai vị, món thủy – hải sản, món thịt và món tráng miệng. Tuy nhiên, khác với những mùa thi trước, nếu món tráng miệng các đầu bếp được làm sẵn ở nhà thì năm nay món khai vị bắt buộc làm tại chỗ. Sở dĩ có sự thay đổi này bởi Ban tổ chức muốn tăng sự thử thách cho các đầu bếp, trong việc vận dụng hài hòa, nhuần nhuyễn kỹ năng để thực hiện một thực đơn hoàn chỉnh 4 món.
Theo monngonvietnam