1. Cốm Tú Lệ
Tây Bắc những ngày đầu tháng 9, nắng vàng nhẹ, những cơn gió hiu hiu mang theo hương vị của lúa non đã chính thức báo hiệu một mùa lúa chín bội thu nữa lại đến với nơi đây. Từ những cánh đồng Mường Lò cho tới những cung ruộng bậc thang Mù Căng Chải xanh mướt đã bắt đầu chuyển mình sang màu vàng óng ả, màu của sự ấm no.
Dưới chân đèo Khau Phạ lúa nếp non trên những thửa ruộng bậc thang Tú Lệ, Lìm Thái, Thái Mông đã được bà con thu hoạch, cắt gần xong để kịp giã cốm ở Khau Phạ khi vào mùa.
Lúa nếp Tú Lệ từ lâu đã nổi tiếng vì lúa ở đây cho ra những hạt to tròn, trắng trong. Thứ nếp này rất đặc biệt, bởi khi nó được đồ thành xôi thì dẻo thơm vô cùng còn khi được chế biến thành cốm thì thanh mát, ngọt ngào mà không thứ nếp nào sánh bằng được.
Công đoạn làm ra những hạt cốm dẻo thơm cần tốn rất nhiều công sức, sự tỉ mỉ và tinh tế của những người người dân nơi đây. Để có được những hạt cốm xanh mỏng, bà con trong bản phải dậy từ tờ mờ sáng ra đồng hái những bông lúa còn đẫm sương đêm và đang ở trong thời kì uốn câu sữa mang về nhà tuốt.
Lúa được tuốt xong là phải đem đi rang ngay, nếu để vài ngay sau mới làm thì hạt cốm sẽ không còn xanh non, thơm dẻo nữa. Công đoạn tiếp theo là đợi nguội rồi cho từng mẻ vào cối giã.
Lúa được tuốt xong.
Nếu du lịch Yên Bái, ghé chân dừng lại Tú Lệ vào mùa này sẽ thường xuyên bắt gặp những cảnh gia đình đồng bào dân tộc đang xúm quanh chiếc cối giã và những chảo gang đầy ắp cốm. Mỗi người một nhịp, người thì đạp chày, người thì ở đầu cối đảo cốm bằng những chiếc đũa cả to, cả 2 phối hợp với nhau rất ăn ý và thuần thục.
Để giã cốm nếp Tú Lệ cũng cần phải có kỹ thuật. Chân của người giã cốm phải thật đều, nhịp nhàng để lực chày giã không được mạnh quá và cũng không được nhẹ quá. Cốm giã xong được gói trong lá dong xanh, vừa tăng thêm màu xanh của cốm, vừa lưu giữ mùi thơm của lúa.
Mùa cốm là cả bản cùng làm cốm.
Cốm Tú Lệ thường được ăn cùng với chuối chín trứng cuốc, trái hồng đỏ chín cây hoặc cũng có thể dùng để nấu cháo vịt, xôi nếp, chè và nêm vào các món như: nem rám, tôm rán, thịt chiên. Chính vì hương vị đặc biệt thơm ngon như vậy, nên lâu nay cốm Tú Lệ đã trở thành đặc sản Tây Bắc.
Màu xanh mướt của cốm Tú Lệ.
2. Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc như Tày, Dao, thuộc các tỉnh như Lào Cai, Mộc Châu, Hà Giang…. Gọi là xôi ngũ sắc vì một đĩa xôi gồm rất nhiều màu, thông thường là năm: đỏ, xanh, vàng, nâu, trắng. Các màu xôi mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, năm màu xôi tượng trưng cho ngũ hành trong trời đất: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Bắc.
Không chỉ đẹp và mang ý nghĩa tâm linh, xôi ngũ sắc còn rất tốt cho sức khỏe người ăn khi trong mỗi loại lá cây, củ quả tạo nên màu sắc của đĩa xôi 5 màu đều là những loại cây dược liệu mang nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tùy thuộc vào công thức pha chế của từng vùng, từng dân tộc người ra sẽ sử dụng các loại dược liệu khác nhau, cho ra 5 màu sắc khác nhau và ý nghĩa biểu trưng riêng.
Xôi ngũ sắc còn rất tốt cho sức khỏe người ăn.
Người ta thường làm xôi ngũ sắc khi vụ mùa vừa kết thúc để cúng cơm mới, báo cáo trời đất về tình hình mùa màng năm cũ, mời các cụ về xơi bát cơm thưởng thức hạt gạo đầu mùa đồng thời cầu cho trời đất thái bình, mưa thuận gió hòa để năm tới đón một mùa màng bội thu.
Gạo để làm xôi ngũ sắc phải là gạo nếp thơm, dẻo, các hạt to, đều.
Xôi ngũ sắc có từ lâu đời và ngày nay đã trở thành đặc sản Tây Bắc. Vị ngon, ngọt, béo ngậy cùng với những màu sắc hấp dẫn trong đĩa xôi thể hiện tấm lòng hiếu khách của gia chủ, chứa đựng mong ước cho mùa màng bội thu trong năm tới và ước mơ về một cuộc sống no đủ.
3. Muồm muỗm rang
Muồm muỗm là loài sinh vật râu dài, có cánh, chỉ xuất hiện vào mùa gặt. Người dân Mường Lò thường thu bắt muồm muỗm để chế biến thành thức ăn. Bằng công thức chế biến đặc biệt, qua bàn tay khéo léo, cùng những gia vị quen thuộc đơn giản dễ kiếm, muồm muỗm bắt đầu trở thành món ăn ngon đặc sản Tây Bắc, nó dần in sâu trong tiềm thức của du khách đến nơi đây, ai ai cũng phải một lần nếm thử món đặc sản dân tộc hiếm và độc này.
Ai ai khi đến đây cũng mong được một lần được thưởng thức món muồm muỗm rang giòn. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm. Muồm muỗm được om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa nhỏ.
Cạn nước thì được cho ngay mỡ vào, đảo đều tay trên bếp to lửa khi nào nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn, sau đó cho nêm nếm cùng với bột canh, hạt nêm, ít ớt tươi và đảo thật nhanh tay cho muồm muỗm ngấm đều gia vị, tiếp tục cho lá chanh đã được thái nhỏ vào đảo đều cho lá chanh chín tới là món đặc sản muồm muỗm rang nức tiếng đã hoàn thành.
Muồm muỗm rang sau khi thành phẩm sẽ sở hữu màu vàng nâu đẹp mắt, kèm với đó là một mùi thơm ngất ngây lòng người. Muồm muỗm ở mường lò ăn rất bùi, ngậy và thơm không như ở những vùng khác. Ai đặt chân đến vùng đất Yên Bái mà không tự tay đi bắt muồm muồm, tự tay chế biến và thưởng thức món Muồm muỗm rang này thì thực sự đáng tiếc.
4. Bánh chim gâu
Yên Bái là một tỉnh vùng cao có sự sinh sống của nhiều dân tộc ít người. Sự đa dạng về dân tộc đã góp phần tạo nên một nền văn hóa đa sắc màu cho nơi đây. Lại nói về sự đa dạng thì ẩm thực là một trong những “bữa tiệc” nhiều màu sắc nhất. Đơn cử có thể nhắc đến món bánh chim gâu của người Dao.
Món bánh có tên rất lạ này xuất phát từ một câu chuyện chứa chan tình mẫu tử. Người ta kể với nhau rằng những bà mẹ người Dao lên nương rẫy nhưng trái tim vẫn đau đáu hướng về đứa con bé bỏng ở nhà. Rồi những trưa rảnh tay họ xếp lá dứa rừng thành chiếc ổ bánh chim gâu. Về nhà họ lại thêm bột vào làm thành những chiếc bánh đẹp mắt.
Người ta pha trộn thêm đỗ xanh hoặc nhuộm màu gạo bằng các loại lá cây khác nhau để mỗi chiếc bánh là một sự bắt mắt khác nhau. Thật ra, ngoài tạo hình chim gâu người ta có thể đan thành hình những thứ khác tùy ý nhưng có lẽ vì ý nghĩa từ xưa nên hình tượng chim gâu vẫn được ưa thích hơn cả.
Những buổi gói bánh, người phụ nữ Dao lại rủ nhau tụm lại một góc nhà rồi khéo léo uốn lượn sao cho giống chim gâu nhất. Đồng thời cũng đảm bảo chiếc bánh nhỏ xinh vừa phải không quá to cũng không quá dài. Chiếc bánh nhỏ nhắn được xếp gọn và nấu chín trong nồi đầy ắp nước khoảng 1 giờ đồng hồ là đã cơ thể thưởng thức.
Những chiếc bánh được gói tỉ mỉ.
Tặng nhau chiếc bánh chim gâu như tặng nhau món ngon khi đói lòng. Và với các em bé nhỏ đó còn là cả sự yêu thương của mẹ dành cho mình. Món đặc sản Tây Bắc này là thứ không thể thiếu trong các dịp lễ tết. Vắng đi chiếc bánh chim gâu như khiến cho hương vị núi rừng mất đi mấy phần rồi.
5. Măng ớt Trạm Tấu
Măng ớt Trạm Tấu là món ăn của đồng bào Mông ở huyện vùng cao Trạm Tấu, Yên Bái. Đây là loại măng Lay rất đặc biệt, kích thước chỉ nhỏ bằng ngón tay. Tuy nhiên bên trong lại đặc ruột, nên người ta gọi là măng ớt. Loài thực vật này mọc nhiều ở sườn núi đá, và chỉ có ở vùng cao Tây Bắc. Món ăn đặc sản Tây Bắc này luôn được xuất hiện trong mọi bữa ăn dân dã trên nương hay chỉ có trong bữa ăn thịnh soạn ngày Tết.
Măng ớt Trạm Tấu là đặc sản Tây Bắc rất được yêu thích.
Món ăn hấp dẫn, nhưng làm thì vô cùng đơn giản. Măng đem về được bóc vỏ, dùng khăn ấm lau cho sạch tránh bị thâm. Sau đó, xếp măng vào ống bương hoặc là chum để ủ. Cứ một lượt măng lại rắc một lượt ớt tươi giã nhuyễn trộn với muối trắng.
Khi xếp măng đầy ống bương hoặc chum, thì người ta dùng đá nén chặt lại. Măng có thể ăn được sau khoảng 1 tháng ngâm. Măng ớt ngâm lâu sẽ có màu trắng hồng, vô cùng đẹp mắt. Ăn rất giòn kết hợp với vị chua, cay hòa quyện tạo nên ấn tượng khó quên.
Măng ớt ngâm lâu sẽ có màu trắng hồng, vô cùng đẹp mắt.
Trên đây là bài viết chia sẻ về những món đặc sản Tây Bắc khi bước vào mùa lúa chín, hy vọng các bạn không bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức các món ngon mà núi rừng thiên nhiên đã ban tặng nơi đây.