Chính phủ giao cho ngành du lịch chỉ tiêu tăng trưởng 15-17 triệu lượt khách quốc tế năm 2018, cơ hội dành cho mọi điểm đến trong nước.
Theo SCMP, trước bối cảnh du lịch Việt Nam dự tính tăng trưởng 30% so với kỳ tích gần 13 triệu lượt của năm 2017, người dân của những vùng miền nghèo khó nhất cũng sẵn sàng dấn thân vào cuộc đua này.
Một trong số đó là Zu, một phụ nữ H’Mông Đen đến từ bản Tả Van ở vùng Tây Bắc. Mỗi ngày, Zu mất gần 6 tiếng để đi bộ tới nương lúa.
Zu lấy chồng năm 16 tuổi và sớm sinh con sau đó. Nay 24 tuổi, Zu đã là bà mẹ hai con. Zu thường dẫn khách du lịch đi trekking qua những bản làng của người Dao, nằm ngay sát thị trấn Sa Pa. Trong con người Zu là một ý chí bền bỉ và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ như những ngọn núi đá nơi gia đình cô dựng nhà.
Sapa nhìn từ trên cao. Ảnh: Shutterstock. |
“Tôi đã học tiếng Anh từ những du khách, phần lớn là thế. Tôi mất 6 tháng mới có thể giao tiếp thành thục”, Zu nói khi dẫn đoàn khách qua một rừng tre nhỏ ngoài rìa bản Tả Van.
Thứ ngôn ngữ mới giúp cô làm hướng dẫn viên. “Trước đây, tôi bán khăn và túi như những người phụ nữ khác trong bản. Nhưng có quá nhiều người cùng làm việc ấy, nên tôi không kiếm được nhiều tiền. Tôi mệt mỏi vì phải đi bộ đường dài, nhưng công việc này tốt cho gia đình hơn”, Zu chia sẻ.
Sa Pa, thị trấn nhỏ vùng cao, trong tâm thức Zu giờ hiện lên như một đại công trường dang dở. Đây đó những người thợ mặc quần áo thường ngày hét gọi nhau hãy cầm chắc một tấm gỗ hay chuyền tay vài viên gạch. Họ như chơi bập bênh trên những dàn giáo cao ngất, thứ mà ít nhất một năm mới có thể được dỡ xuống, mở ra một chân trời mới với những khách sạn lớn, rực rỡ ánh đèn neon.
Trong số 500 điểm lưu trú với 6.000 phòng tại thị trấn Sa Pa, khoảng 154 homestay đã mọc lên tại Tả Van và những bản làng khác. Năm 2017, Lào Cai đón hơn 3 triệu lượt khách. Chính quyền tỉnh dự đoán, tới 2020 chỉ riêng Sa Pa sẽ đón lượng khách ngang bằng con số trên.
Với Zu, điều này mở ra một cơ hội lớn. “Thi thoảng tôi lên thị trấn tìm việc”, cô nói về mình như một trong những phụ nữ trong trang phục thêu sặc sỡ của người H’Mông Đen hay Dao Đỏ, đeo bám du khách quanh quảng trường để mời chào mua hàng lưu niệm hay đi trekking.
Không ít lần, Zu đã thuyết phục khách nghỉ lại nhà mình một hay hai đêm, để kiếm thêm ngoài đồng lương hướng dẫn. Nhưng nhà cô vốn chật chội, lại đông người (gồm cả chồng con, bố mẹ chồng), đôi khi có con vật nào đi lạc vào trong.
Zu nhận ra nhà mình quá độc đáo trong mắt những du khách nước ngoài: “Tôi đang tiết kiệm tiền để có thể xây một căn homestay tử tế, với nhiều phòng ốc và cơ sở vật chất khang trang hơn”.
Việt Nam đã xác định đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn cho tới năm 2020. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, Việt Nam đã thu hút khoảng 33,1 tỷ USD nguồn vốn nước ngoài trong năm 2017, tăng trưởng hơn 80%. Phần nhiều nguồn vốn này đổ vào các tỉnh miền duyên hải như Đà Nẵng hay Nha Trang, với khí hậu ấm áp và bãi biển trải dài tạo nên những thiên đường nghỉ dưỡng.
Một người bán hàng rong chào mời du khách mua kính râm tại Nha Trang. Ảnh: AFP. |
Nếu lái xe dọc bờ biển Đà Nẵng, bạn có thể thấy những khối bê tông khổng lồ chẳng mấy chốc sẽ biến thành những khu resort của các thương hiệu nổi tiếng. Chỉ tính riêng tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp nước ngoài đã rót vào những bãi biển nơi đây 3,6 tỷ USD trong năm 2017.
Tiến lên phía bắc, bạn sẽ đến một kỳ quan nổi tiếng thế giới – vịnh Hạ Long. Giữa hàng trăm đảo đá vôi và những du thuyền gỗ lững thững trôi khắp vịnh là cánh rừng rậm xanh mướt trên hòn đảo lớn nhất vùng mang tên Cát Bà.
Tại mũi phía bắc của đảo Cát Bà là những con phố du lịch. Nơi đây mọc lên những dãy khách sạn, cửa tiệm, nhà hàng kéo dài dọc bờ biển, san sát biển hiệu mời chào “Wifi miễn phí”, “Ẩm thực phương Tây”, “Giờ vàng giảm giá”… Lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng là căn homestay kèm nhà hàng mới tân trang của Thắng Phạm.
Năm 2011, Thắng tốt nghiệp khoa Du lịch của Đại học Hải Phòng. Sau nhiều năm làm hướng dẫn viên du lịch, anh quyết định đã đến lúc nên dừng lại, dồn công sức và năng lượng cho căn homestay nhỏ trên hòn đảo của mình.
Theo Thắng, du lịch đem đến nguồn lợi tuyệt vời cho Cát Bà, nhưng cách mọi người làm du lịch lại không tốt. “Chúng tôi vẫn có rất nhiều rác ngoài vịnh, không có khu vực xử lý chất thải và người tài không muốn làm việc trên đảo. Nhưng tôi đã sống và làm việc ở đây hơn 7 năm, tôi tin rằng Cát Bà còn đẹp hơn vịnh Hạ Long”, ông chủ homestay nhận định.
Thắng biết rằng hòn đảo sẽ thay đổi rất nhanh trong vài năm tới, đặc biệt tại khu trung tâm thị trấn nơi homestay của anh tọa lạc, tầm nhìn hướng ra bờ biển chật tàu.
Một du thuyền trôi giữa những hòn đảo đá vôi của vịnh Hạ Long. Ảnh: AFP. |
Thắng cho Zuzanna Kamusinski, cây bút của SCMP, xem một video quảng cáo được tung ra hồi tháng 4/2017. Video dài 5 phút giới thiệu về kế hoạch xây dựng một hệ thống cáp treo vượt biển dài 21 km nối thị trấn Cát Hải với Cát Bà. Dự án khổng lồ này bao gồm 3 sân golf, một công viên giải trí và nhiều hạng mục khác để khai thác tiềm năng du lịch của những vùng lân cận.
“Một số phần của hòn đảo sẽ mất đi vẻ đẹp thiên nhiên, nhưng nhiều người sẽ tới đây, đặc biệt là khách nội địa. Mọi người sẽ có thêm nhiều cơ hội để làm ăn”, anh chưa kịp nói dứt câu đã phải chạy ra đón khách. Ông chủ homestay luôn phải đảm bảo những vị khách hài lòng với dịch vụ của mình, do phải cạnh tranh không ngừng. Nỗ lực của Thắng thể hiện qua hàng loạt đánh giá 5 sao về homestay của anh trên nhiều website đặt phòng.
6 giờ tối ngày thứ năm, sau khi đưa những vị khách mới đến lên phòng, Thắng lại tất bật trong căn bếp để chuẩn bị bữa tối. Hàng trăm km về phía tây bắc, Zu đang nấu nướng cho gia đình sau cả ngày dài dẫn khách trekking.
Với cả Thắng và Zu, 2017 là một năm tốt lành. Họ cũng như rất nhiều người làm du lịch khác tại Việt Nam, đang nghe ngóng những cơn sóng của thị trường để chớp lấy thời cơ giương buồm ra biển lớn. Nước lên thuyền lên, 2018 sẽ là một năm rực rỡ và bận rộn nhất của ngành du lịch Việt Nam.
Theo South China Morning Post